Khi Chính phủ miễn giảm thuế phí, lập tức các hãng xe bỏ ngay chính sách khuyến mại.

Sau khi đọc bài viết “Nghịch lý xe lắp ráp ở Việt Nam đắt hơn xe nhập khẩu”, tôi thấy người tiêu dùng Việt Nam luôn “ca thán” giá xe Việt Nam cao ngất và họ thường quy cho vấn đề thuế phí của Việt Nam cao nên giá xe cao. Thực tế, tôi thấy thời gian vừa qua nhà nước đã miễn giảm rất nhiều thuế phí nhưng giá xe cũng không giảm mà có khi còn cao hơn.

Từ khi cả Đông Nam Á cùng bắt đầu thực hiện thỏa thuận miễn giảm cho xe được lắp ráp và sản xuất trong khu vực đạt từ 40% tỷ lệ nội địa hóa trở lên thì được miễn giảm thuế nhập khẩu về 0% và Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc thỏa thuận này. Thực tế trong thời gian qua, xe nhập về thị trường Việt Nam cũng không hề có dấu hiệm giảm mà thậm chí lại tăng với đủ mọi lý do các hãng xe đưa ra. Cuối cùng người tiêu dùng vẫn tiếp tục mua xe với giá cao.

Năm nay, do dịch Covid tình hình kinh doanh khó khăn hơn nên khi ra mắt xe mới, các hãng đưa ra phương án giảm giá cho mẫu cũ chứ không phải là đưa giá xe về mức giá thấp mới. Nhưng khi nhà nước miễn giảm 50% phí trước bạ thì ngay lập tức các hãng xe bỏ ngay chính sách khuyến mãi.

Quay lại vấn đề giá xe và chính sách nội địa hóa ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam. Từ khi những hãng xe nước ngoài bắt đầu bước chân vào thị trường Việt Nam đến nay đã hơn 20 năm. Nhà nước đã đưa ra vô số chính sách từ ưu đãi đến bảo hộ, hỗ trợ cho các hãng xe này với các lộ trình nội địa hóa ngành công nghiệp xe hơi cũng như phát triển ngành công nghiệp phụ trợ theo từng giai đoạn cụ thể. Và nếu, các hãng đi theo đúng lộ trình đã đề ra thì đến nay, tỷ ệ nội địa hóa trên 60% rồi, nhưng thực tế thì sao thì tất cả đều đã biết.

Tôi có vài suy nghĩ như sau:

Thứ nhất, đối với xe lắp ráp, tại sao giá xe lắp ráp cao hơn xe nhập khẩu. Các hãng cho rằng linh phụ kiện sau khi mua về giá thành đội lên do thuế, do phí, do vận chuyển…. Vậy tại sao họ không chịu nội địa hóa tại nước sở tại để làm giảm giá thành.

Có một vài giả thiết đưa ra như sau:

Do thị trường Việt Nam có dung lượng nhỏ nên họ không muốn đầu tư công nghệ xây dựng nhà xưởng để nội địa hóa.

Do không muốn gắn kết lâu dài và phát triển với ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam và nếu có những chính sách nào họ cảm thấy bất lợi cho việc kinh doanh thì họ sẽ dễ dàng rút lui mà không phải quá lo lắng cho những nhà máy phụ trợ nào đó.

Có giả thiết cho rằng họ cố tình làm giá thành cao để người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm lắp rắp trong nước và từ đó họ sẽ có lý do quay sang nhập khẩu xe nguyên chiếc.

Và giả thiết cuối mà nhiều người đưa ra đó là vấn đề chuyển giá. Vì nếu dùng sản phẩm trong nước thì mua bán sẽ có hóa đơn chứng từ sẽ khó cho các công ty này chuyển giá, nhưng nếu linh kiện mua từ nước ngoài thì sẽ dễ dàng hơn trong việc nâng khống giá thành của các bộ linh kiện này lên 10% – 20%, (phần chênh lệch này sẽ được chuyển thẳng về công ty mẹ). Vì vậy, giá xe lắp ráp sau khi xuất xưởng cũng sẽ cao hơn xe nhập khẩu. Cho dù giá bán ra có huề vốn thì hãng vẫn có lời, trong khi đó Nhà nước sẽ mất đi khoản thuế thu nhập doanh nghiệp. Chúng ta có thể dễ dàng khảo sát giá xe của những hãng nào mà lắp ráp cao hơn nhập khẩu thì sẽ biết những hãng xe đó có muốn gắn kết và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ xe hơi cho thị trường Việt Nam hay không?

Theo tôi biết, sắp tới nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, nhà nước sẽ miễn giảm thuế về 0% đối với linh kiện nhập khẩu. Người tiêu dùng sẽ rất vui vì nghĩ rằng giá xe sẽ giảm nhưng theo tôi, nhà nước không nên miễn giảm thuế đối với linh kiện nhập khẩu vì: Giá thành là do hãng xe đưa ra nên cho dù có miễn giảm thuế này thì giá xe chưa chắc đã giảm, cuối cùng nhà nước thì thất thu thuế mà người tiêu dùng chưa chắc mua được xe giá rẻ (bằng chứng về miễn thuế nhập khẩu).

Theo tôi, nếu nhà nước vẫn muốn tiếp tục kích cầu để người dân mua xe thì có thể tiếp tục giảm phí trước bạ 50% hoặc tặng tiền trực tiếp cho người mua xe theo tỷ lệ mà đáng ra sẽ giảm thuế linh kiện. Kiến nghị nhà nước không nên miễn giảm thuế nhập khẩu linh kiện vì nếu miễn giảm thuế này các hãng sẽ quay sang nhập khẩu toàn bộ linh kiện và không có chiến lược phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, đồng thời cũng sẽ giết chết một số ngành công nghiệp phụ trợ non trẻ trong nước. Như vậy chính sách công nghiệp hóa ngành xe hơi Việt Nam sẽ lâm vào bế tắc.

Thứ hai, đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc. Các hãng cũng gần như áp dụng theo cách chuyển giá như linh kiện nhập khẩu. Nghĩa là họ cũng sẽ nâng thêm 10 – 20% trên giá đầu vào trước khi hàng cập cảng. Cho dù sau đó, thuế nhập khẩu (nếu có), thuế TTĐB hay VAT có cao thì thực tế cũng do người tiêu dùng chịu mà thôi.

Cuối cùng người tiêu dùng thì mua xe giá cao và các hãng lại nói không có được lợi nhuận. Kết quả, nhà nước cũng chẳng thu được thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, xe nhập khẩu và định giá được xem là một ma trận vì họ nói nhiều lý do như hàm lượng công nghệ được gắn trong xe (nhưng thực tế, các mẫu xe về Việt Nam thường ít công nghệ với lý do không cần thiết, không phù hợp… mà chỉ cần bớt một công nghệ thì giá xe cũng đã khác). Một mẫu xe có rất nhiều phiên bản nhưng thông thường họ chỉ đưa về Việt Nam vài ba phiên bản với lý do dung lượng thị trường nhỏ. Thực tế thì không phải vậy, vì nếu đưa đủ các phiên bản thì tỷ suất lợi nhuận trên từng xe sẽ giảm xuống ( nếu để giá cao thì sẽ dẫm chân qua phân khúc khác).

Theo tôi, muốn giá xe trở về đúng với thị trường thì nhà nước phải kiểm tra chặt chẽ giá thành đầu vào của xe nhập nguyên chiếc cũng như linh phụ kiện nhập khẩu nhằm tránh thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp và người tiêu dùng mới mua được đúng giá sản phẩm. Hiện cũng rất khó để kiểm tra giá thành vì theo quy định chỉ có hãng mới được nhập khẩu và như vậy sẽ rất khó để kiểm tra chéo giá thành.

Từ những ý trên, tôi mong muốn nhà nước cố gắng hỗ trợ và phát triển những công ty đang có tâm huyết trong việc sản xuất, láp ráp và xây dựng ngành công nghiệp xe hơi ở Việt Nam, hỗ trợ xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ trong nước (miễn giảm thuế, tăng cho vay ưu đãi…). Đồng thời mong muốn người tiêu dùng ủng hộ những sản phẩm được sản xuất và lắp ráp trong nước. Chỉ đến khi nào Việt Nam thực sự có được ngành công nghiệp phụ trợ hoàn chỉnh thì may ra giá xe sẽ giảm và các công ty hãng bên ngoài mới tôn trọng người tiêu dùng Việt Nam.

(ST)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0913 364 212(Zalo)
Inbox fanpage