Xe đột ngột nổ lốp trong lúc di chuyển không phải là 1 tình huống quá hiếm gặp, có thể xảy ra với bất kì ai. Tuy nhiên, nếu tài xế không biết cách giải quyết và mất bình tĩnh thì sẽ rất dễ dẫn đến tai nạn.
Nguyên nhân gây ra nổ lốp
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng nổ lốp. Khi ô tô va đập mạnh với những ngoại vật như đá, mảnh thủy tinh, thanh thép làm cấn mâm xe, lốp xe sẽ có nguy cơ cao bị hư hỏng hoặc khiến hông lốp bị rách dẫn đến tình trạng nổ.
Ngoài ra, nếu người điển khiển xe ô tô không bơm đủ áp suất lốp (lốp non) trong 1 khoảng thời gian dài mà vẫn tiếp tục sử dụng thì lốp cũng rất dễ bị nổ. Bởi áp suất quá thấp khiến lốp xe bị gãy gập quá mức so với thiết kế, dần dần các lớp vải bố sẽ bị rạn và rách.
Ngược lại, áp suất quá cao làm cho thành lốp bị quá tải, sức chịu đựng vượt quá giới hạn cần thiết nên cũng dễ dàng gây nổ lốp ô tô. Đặc biệt khi xe phải chạy liên tục trong điều kiện thời tiết nắng nóng hoặc di chuyển ở địa hình xấu như đồi núi, công trường đang thi công…
Một nguyên nhân thường gặp nữa đó là lốp đã quá cũ, hoa lốp quá mòn, các rãnh gai không còn đủ độ sâu. Tình trạng này xảy ra do chủ xe ô tô không thường xuyên đưa xe đi bảo dưỡng, không thay lốp định kì, để lốp trong tình trạng hư hỏng trong khoảng thời gian dài.
Để xe chạy quá tải cũng là 1 trong những nguyên nhân gây ra nổ lốp. Việc để xe di chuyển với 1 trọng lượng vượt quá quy định cũng giống với việc đưa lốp xe vào tình trạng “giới hạn tải trọng cực đại”. Lúc này, nhiệt sinh ra trong quá trình ma sát với mặt đường và việc phải đi qua các đoạn đường lồi lõm sẽ khiến sức chịu đựng của vỏ lốp đi quá giới hạn, đến 1 thời điểm nào đó khi sức chịu đựng của lốp xe đạt tới đỉnh điểm, sự cố nổ lốp sẽ xảy ra.
Xử lý thế nào khi xe bị nổ lốp?
Hầu hết tài xế sẽ cảm thấy hoảng hốt, bối rối và lo sợ khi xe đột nhiên bị nổ lốp, vỡ hoa lốp giữa đường. Để khẳng định xe đã bị nổ lốp, người lái xe chỉ cần xác định 3 âm thanh chủ yếu như sau: Âm thanh đầu tiên lái xe sẽ nghe thấy tiếng nổ rất to, tiếng nổ này được tạo ra bởi vỏ xe bị áp suất phá hủy; ngay sau đó là tiếng xịt rất mạnh bởi áp suất trong lốp xe thoát ra ngoài và cuối cùng là tiếng “phịch phịch” của vỏ cao su cọ sát với mặt đường. Nếu nghe thấy 3 âm thanh này, chắc chắn xe của bạn đã bị nổ lốp.
Khi phát hiện lốp xe hoặc hoa lốp đã bị nổ, người lái xe phải hết sức bình tĩnh, hoảng loạn sẽ chỉ khiến tình huống trở nên tệ hơn. Tiếp đến là dùng hết sức lực để giữ vô lăng xe chạy thẳng, cố gắng giữ chắc tay lái bằng cả 2 tay ở vị trí 9 giờ và 3 giờ để tránh mất lái, sau đó từ từ giảm tốc độ.
Khi đã kiểm soát được tốc độ, tài xế hãy mau chóng di chuyển xe vào khu vực an toàn và dừng xe lại để kiểm tra tình trạng của lốp xe. Trước khi đưa xe vào khu vực đỗ, lái xe cần bật tín hiệu xin đường như xi nhan hoặc sử dụng hệ thống đèn pha, nếu trời quá tối hoặc thiếu ánh sáng, thao tác này sẽ giúp đảm bảo an toàn cho chính mình và người tham gia giao thông. Sau khi dừng xe, nếu có lốp dự phòng và dụng cụ thay lốp thì có thể tiến hành thay lốp ngay trên đường. Trong trường hợp không có, cách duy nhất chính là gọi cứu trợ và chờ đợi.
Lưu ý quan trọng: khi xe bị nổ lốp bất ngờ, tuyệt đối không được đạp phanh gấp! Nhiều người cho rằng đạp phanh gấp sẽ giúp xe dừng lại ngay lập tức và không bị trượt dài trên đường. Tuy nhiên đây là 1 quan niệm hoàn toàn sai, bởi phanh gấp khi lốp bị nổ sẽ làm ô tô mất cân bằng và khó kiểm soát hơn. Thậm chí khi đột ngột đạp phanh gấp, ô tô của bạn có thể quặt về 1 hướng và sau đó sẽ lật và lăn nhiều vòng.
Trong thời gian sử dụng xe, tài xế cần ghi chép ngày bắt đầu dùng lốp để dễ dàng tính toán thời điểm thay lốp 1 cách phù hợp. Thay lốp định kỳ giúp hạn chế được nguy cơ xảy ra tình trạng nổ lốp đột ngột. Bên cạnh đó, nếu phát hiện lốp có bất kì biểu hiện bất thường nào, hãy mang lốp tới trung tâm bảo dưỡng để kiểm tra càng sớm càng tốt.